Ngoài gặp khó trong quản lý, chính quyền Khánh Hòa cho rằng tour giá rẻ làm ảnh hưởng chất lượng du lịch và gây thất thoát thuế của địa phương.
Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, ông Trần Việt Trung cho biết, các doanh nghiệp lữ hành trong nước đang nhận một số tour du lịch giá rẻ từ đối tác nước ngoài. Sau khi đến Nha Trang, khách bị đưa đến các địa điểm mua sắm hàng chất lượng thấp, không đảm bảo nhưng giá cao để bù đắp các chi phí, điều này gây ảnh hưởng đến chất lượng du lịch tại địa phương.
|
Khách nước ngoài lên tàu cảng du lịch để tham quan các đảo trên vịnh Nha Trang. Ảnh: Xuân Ngọc.
|
Đồng quan điểm, các ngành chức năng tại Khánh Hòa nêu, việc quản lý thuế ở các doanh nghiệp phục vụ tour giá rẻ là rất khó. Bởi, đây được hiểu là bán tour không lãi, nhưng dẫn khách đến điểm mua sắm sẽ được nhận chênh lệch.
"Một sản phẩm có giá thực chỉ 20.000 đồng, nhưng được cửa hàng bán đến 3 triệu đồng để trả các khoản chi phí khác", ông Trần Sỹ Quân, Phó cục trưởng Cục Thuế Khánh Hòa, nói.
Theo ông Quân, các cửa hàng chuyên phục vụ khách Trung Quốc có chung đặc điểm quy mô lớn, nhưng đều đăng ký hình thức hộ kinh doanh. Điều này có nghĩa, họ không cần khai báo đầu vào, thuế khoán và chỉ được phép điều chỉnh một lần. "Những hộ này chuyên bán cho khách nước ngoài, giá hàng hóa đẩy lên cao, chiết khấu, chi 'hoa hồng' cho các tour", Phó cục trưởng Cục Thuế Khánh Hòa cho biết.
Thống kê của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, năm 2018 đơn vị kiểm tra 40 cơ sở kinh doanh du lịch thì phát hiện 26 điểm vi phạm về hàng hóa không rõ nguồn gốc, không ghi nhãn mác, hàng nhái và một số kém chất lượng... phạt hơn 430 triệu đồng, thu giữ 900 sản phẩm.
"Một số mặt hàng bày bán công khai tiền Việt có giá cao. Ngoài ra, các sản phẩm như đá mỹ nghệ, cao su, trầm hương... không thuộc hàng hóa đăng ký cùng tình trạng thanh toán ngoại tệ tràn lan, khiến việc xử lý, bắt quả tang rất khó", lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh nói.
Ngoài ra, một số cơ sở phục vụ tour du lịch giá rẻ sử dụng thẻ ngân hàng Trung Quốc để quẹt, thanh toán trực tuyến (POS), hoặc sử dụng ứng dụng Alipay, Webchatpay do những người Trung Quốc cung cấp cho khách. Đây là hình thức thanh toán mới ở địa phương, nên việc kiểm soát hay quản lý khá khó.
|
Khách Trung Quốc mua hàng tại điểm du lịch ở TP Nha Trang. Ảnh: Xuân Ngọc
|
Ông Trần Sơn Hải, Phó chủ UBND Khánh Hòa, đánh giá, các cơ quan chức năng của địa phương đang lúng túng khi áp dụng các quy định hiện hành để xử lý, hạn chế tiêu cực từ tour du lịch giá rẻ.
Theo ông Hải, trong thời buổi cạnh tranh như hiện nay, việc cơ quan chức năng đề nghị phải có giá sàn áp dụng cho các dịch vụ rất khó thực hiện. Chẳng hạn, một số mặt hàng phục vụ du lịch không nằm trong danh sách quản lý về giá, nên không thể nào kiểm soát chất lượng tốt, xấu. Hay việc đặt phòng khách sạn, hoặc căn hộ ở mỗi lúc khác nhau thì giá cả cũng khác.
"Hiện nay, các doanh nghiệp thực hiện nhiều giao dịch thương mại điện tử, việc đặt dịch vụ, phòng lưu trú đều qua Internet, nên chúng ta không thể quản lý được dòng tiền qua Internet. Không quản được dòng tiền thì không thể tính được thuế", Phó chủ tịch tỉnh nêu.
Trước những vấn đề đang diễn ra, ông Nguyễn Hoàng Hải, Vụ trưởng vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch đầu tư, cho biết sẽ quan tâm đến việc quản lý chất lượng hàng hóa, hệ thống cửa hàng và giá cả liên quan đến tour giá rẻ.
"Sau khi làm việc với Khánh Hòa, Đà Nẵng và Quảng Ninh - ba tỉnh có nhiều phản ánh về tour giá rẻ, đoàn kiểm liên ngành sẽ tổng hợp, đưa ra những giải pháp để xử lý", ông Hải nói.
Thống kê Sở Du lịch Khánh Hòa, năm 2018 địa phương đón hơn 6,3 triệu lượt khách. Trong đó khách quốc tế là 2,8 triệu lượt (tăng 37% so với năm 2017); khách Trung Quốc là 1,9 triệu lượt (chiếm 67%), tăng 153% so với năm trước.
Xuân Ngọc
phobienland.com